Chiến tranh đã lùi xa nhưng những con người làm nên lịch sử thì vẫn còn đó. Chiến công của họ có thể chưa đủ để ghi danh vào sử sách nhưng trong lòng người dân thì hình ảnh quật cường ấy mãi mãi không phai…
Trên vùng cao của Quảng Nam có một người như thế. Ông tên là Đông Lích, sinh năm 1942 người dân tộc Cơtu (ở thôn Phú Bảo, xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam) - người đã dùng súng trường K44 bắn rơi máy bay trực thăng Mỹ, khởi đầu cho những chiến công của du kích và bộ đội địa phương huyện Hiên (Đông Giang) trong những năm chống Mỹ.
Như đã hẹn trước, chúng tôi đến thăm ông vào một buổi sáng vùng cao mù sương, trong căn nhà gỗ đơn sơ, ông đã hồi tưởng lại những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ mà rất đỗi hào hùng.
Trèo lên đồi mới bắn máy bay địch
“Chiến tranh khổ lắm! Có bữa không có muối mà ăn mô, mỗi khi giặc ném bom hay càn quét là nhiều người chết lắm! Mình đi bộ đội để trả thù cho người Cơtu mình, giải phóng quê hương, bắn được máy bay cũng là gặp may thôi mà…” - ông Đông Lích phì phà ống điếu đậm nhớ lại.
Xác máy bay Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh Việt Nam (ảnh chiếc máy bay F.111 thứ 4.000 của Mỹ bị bắn rơi - Tư Liệu)
Năm 19 tuổi, Đông Lích tham gia bộ đội địa phương đến năm 1966, huyện đội Hiên (Đông Giang), tổ chức lễ tuyển quân, lúc này ông là Phó bí thư kiêm xã Đội Phó xã Ba (huyện Hiên) nên được ông Lê Văn Sé (xã Đội trưởng) phân công đi bắt heo nhà thả rông về khao quân.
Khoảng 10 giờ, đang ở một mình trên rẫy sắn thì máy bay trực thăng của Mỹ từ bên hướng đồn Thượng Đức (Đại Lộc - Quảng Đà, địa danh thời kháng chiến) bay qua, chúng quần hai vòng rồi bắn napan làm rẫy sắn cháy rần rần.
Đông Lích ôm khẩu K44 bò lên đỉnh đồi ngồi nấp, một lát sau hai chiếc trực thăng lên lại bay sát ngọn cây, lừa thế ông nã liền hai phát rồi bò xuống chân đồi. Ông cười nói: “Nhìn theo thấy khói sau đuôi “hắn” mù mịt nhưng không nghĩ nó bị mình bắn cháy mô”.
Ông về thông báo cơ quan và nhân dân phải dời gấp về thôn Xuồn (Tà Lâu - Hiên). Khoảng 1 giờ sau, ba chiếc máy bay lên ném bom nát bét mấy rẫy sắn và quả đồi ông trú. Nhờ di chuyển kịp nên bộ đội và nhân dân không bị thương vong gì.
Đến chiều người dân thôn Dốc Kiền và Phú Son lên báo, hồi trưa có 1 chiếc máy bay rơi trên núi làm cháy mấy hét ta rừng. Lúc này ông và bộ đội mới tin là máy bay rơi là do ông bắn. Khi đó ông được khen ngợi và bà con dân làng nể phục lắm.
Ông tự hào kể: “Hồi nớ mình “oai” lắm, ai gặp cũng biểu mình kể chuyện bắn máy bay… vợ mình lấy mình làm chồng cũng là chuyện bắn máy bay đó...”.
Ông Y Kông, nguyên Chủ tịch huyện Hiên nói: “Bắn rơi được máy bay Mỹ của ông Đông Lích có thể do may mắn. Nhưng phải nói rằng, ông gan dạ, mưu trí dám bò lên đồi khi máy bay bắn phá… Từ khi biết súng trường có thể bắn cháy được máy bay thì du kích và người dân Cơtu ít sợ máy bay Mỹ hơn và chiến đấu dũng cảm hơn”.
Bình dị giữa truông ngàn
Sau này, ông Đông Lích còn nhiều lần tham gia đi phá ấp chiến lược dưới Đại Lộc (Quảng Nam). Đặc biệt năm 1968, ông cùng đơn vị tham gia cùng bộ đội chủ lực đánh bọn biệt kích Mỹ và lính Hàn trên đồi Cà Măng (thôn Tà Lâu - Đông Giang bây giờ). Trận đó ta thắng nhưng thương vong cũng nhiều.
Đến giờ qua hơn 30 năm kết thúc chiến tranh ông vẫn chưa được phong hàm hay được thưởng huân, huy chương, chỉ lời khen ngợi động viên cũng khiến ông cảm thấy mình hạnh phúc và tự hào lắm!
Lúc buồn nhớ đồng đội ông Đông Lích lại gõ trống Da mang 298.
Sau ngày giải phóng, ông tiếp tục giữ chức xã Đội phó, rồi xã Đội trưởng (xã Ba, Đông Giang) đến năm 1995 là ông “nghỉ” về nhà làm rẫy. Hiện ông đang giữ “chức” Chi Hội trưởng Hội cựu chiến binh của thôn Phú Bảo - nơi ông đang sống.
Mỗi tháng nhận được trên một triệu đồng tiền lương, ông dành dụm cho con, còn ông thì vào trong truông (thung lũng nhỏ trong núi) dựng lều làm vườn sắn, trồng keo, nuôi bò, khi có hội họp ông mới về bản làng.
Khi hỏi về mong ước, người cựu chiến binh già tâm sự: “Mình mong Đảng và Nhà nước hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, bày cách sản xuất có hiệu quả cho người dân Cơtu thoát nghèo”.
Chúng tôi ra về cũng là lúc ông Đông Lích vào lại “truông” với con bò và rẫy sắn. Nhìn dáng ông mang gùi, cắp con rựa dưới nách, leo dốc chậm rãi mà chắc chắn, chúng tôi thầm thán phục người lính cụ Hồ ở bất kỳ mặt trận nào…